Nguyễn Phan Vinh


Nguyễn Phan Vinh
Sinh1933
Điện Bàn, Quảng Nam
Mất1 tháng 3, 1968(1968-03-01) (34–35 tuổi)
Khánh Hòa
Quốc tịch Việt Nam
ThuộcHải quân nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ1954 – 1968
Cấp bậc
 Trung úy
Tặng thưởngAnh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1970)
Huân chương Chiến công Huân chương Chiến công hạng Nhất
Người thânNguyễn Đức Mẫn
Phan Thị Mẫn

Nguyễn Phan Vinh (1933 – 1 tháng 3 năm 1968), tên khác là Mười Vinh, là một trung úy Hải quân nhân dân Việt Nam, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên của ông được đặt cho đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa. Ông cùng 14 đồng đội khác hi sinh trong Sự kiện tàu 235, Chiến tranh Việt Nam.[1]

Thân thế

Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933 tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng.[2][3] Bố của ông là Nguyễn Đức Mẫn, du kích xã Điện Nam, hy sinh trong một trận càn và được Nhà nước công nhận liệt sĩ; mẹ là bà Phan Thị Mẫn, sau này được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.[4] Người cô ruột tên Nguyễn Thị Liễu cũng được phong bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một người anh khác tên Nguyễn Đức Xử (mất 2008) là bộ đội thời kháng chiến chống Pháp, đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc và làm bí thư chi bộ ở Nông trường Sao Vàng, tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1963, mẹ của ông qua đời vì bị địch tra tấn; cùng năm, người anh trai của ông là Nguyễn Đức Lân hi sinh trên chiến trường Quảng Nam, về sau cũng được công nhận liệt sĩ. Là con út trong gia đình có 9 người con nên ông còn có tên gọi khác là Mười Vinh.[2] Từ năm 16 tuổi, ông đã làm liên lạc cho Huyện ủy Điện Bàn. Tháng 7 năm 1954, ông nhập ngũ và tập kết ra Bắc.[5]

Sự nghiệp

Nguyễn Phan Vinh được đào tạo chỉ huy tàu phóng lôi tại Trung Quốc.[3] Trong giai đoạn 1963–1968, Nguyễn Phan Vinh đã tham gia chỉ huy 11 chuyến tàu không số chở vũ khí vào chi viện cho miền Nam với cương vị thuyền phó rồi thuyền trưởng.[3][6]

Sự kiện tàu 235

Tháng 2 năm 1968, trong chiến dịch vận chuyển vũ khí vào Nam cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, Nguyễn Phan Vinh cùng chính trị viên Nguyễn Tương đã chỉ huy cán bộ thủy thủ đi tàu 235, chở 16 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo, Khánh Hòa. Ngày 27 tháng 2 năm 1968, Nguyễn Phan Vinh là thuyền trưởng chỉ huy tàu C-235 (thuộc Đoàn 125, Bộ Tư lệnh Hải quân) gồm có 21 người: Chính trị viên Nguyễn Tương; thuyền phó Đoàn Văn Nhi, Võ Tá Tu; máy trưởng Trương Văn Mùi; thợ máy Ngô Văn Thứ, Nguyễn Minh Hải, Trần Lộc, Vũ Long An; thợ điện Lê Duy Mai; báo vụ Phạm Trường Nam, Doãn Quang Ruyện; rađa Trần Thọ Thuyết; thủy thủ Ngô Văn Dầu, Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật, Đào Quang Ty; lái tàu Mai Văn Khung, Lâm Quang Tuyến; y tá Hoàng Văn Hòa và cơ yếu Nguyễn Văn Dũng.[7] Trước giờ nhổ neo, Ngô Văn Dầu phải vào viện vì bị viêm phổi nên rời đoàn.[8]

Sau khi đi hai ngày đêm trên vùng biển quốc tế. Tối ngày 29 tháng 2, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Sau khi bị phát hiện, địch lập tức huy động 3 tàu chiến: Ngọc Hồi, HQ12, HQ 617 và 4 tàu khác đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống. Sau khi biết đã bị lộ, Nguyễn Phan Vinh đã lái tàu qua đội hình của địch. Sau khi bắn được một chiếc tàu của địch, các tàu khác liên tục bắn đạn vào tàu của ông. Kết quả khiến 5 cán bộ, chiến sĩ trên tàu hy sinh; 2 người bị thương nặng và 7 người bị thương nhẹ. Nguyễn Phan Vinh cũng bị một mảnh đạn xượt qua đầu.[8] Trương Văn Mùi, máy trưởng, bị trúng một viên đạn vào ngực và hi sinh, ngã vào cần gạt, khiến tàu dạt luôn vào bờ. Nguyễn Phan Vinh tổ chức đưa người đã hy sinh và bị thương vào bờ, sau đó ra lệnh chuẩn bị điểm hỏa cho nổ tàu.[9] Sau khoảng 20 phút thì tàu phát nổ, địch đem máy bay đến bắn phá ven biển nhằm dọn đường cho bộ binh bao vây và bắt sống các thủy thủ tàu 235. Sau một thời gian chống trả, Nguyễn Phan Vinh đã hi sinh tại Hòn Hèo. Số thủy thủ của tàu 235 còn lại 7 người, đều bị thương tích và ở trên đảo suốt hơn 10 ngày cho tới khi liên lạc được với du kích. Theo lời thợ máy Vũ Long An, 1 trong 5 người sống sót; sau khi liên lạc được với du kích, thuyền phó Đoàn Văn Nhi cũng đã mất tích trên đảo. Lái tàu Mai Văn Khung đi tìm nước uống rồi bị địch bắt. Bốn con tàu của đoàn 125 ra đi làm nhiệm vụ nhưng chỉ có tàu 56 trở lại. Cho đến nay, ngôi mộ của Nguyễn Phan Vinh đã bị thất lạc.[2][8]

Vinh danh

Nguyễn Phan Vinh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Tháng 8 năm 1970, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.[10][11] Tháng 5 năm 1978, sau khi Việt Nam quản lý toàn bộ đảo Hòn Sập, trong 1 lần đi kiểm tra công tác tại đảo, đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân, đã đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành đảo mang tên Nguyễn Phan Vinh.[12] Đến năm 1990, nhân kỷ niệm 15 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, đảo Hòn Sập thuộc quần đảo Trường Sa được đổi tên thành đảo Phan Vinh.[11] Năm 2003, nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được Quân chủng Hải quân xây dựng tại thị xã Điện Bàn.[13] Năm 2011, tập thể tàu C235 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.[5]

Tham khảo

  1. ^ Trần Hữu Vinh (27 tháng 4 năm 2015). “Rưng rưng dưới cờ Tổ quốc ngày 30/4 ở Trường Sa”. Lao động Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ a b c Ngô Minh (22 tháng 7 năm 2014). “Phan Vinh - Người anh hùng Quảng Nam”. Báo Quảng Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ a b c Ngô Minh (10 tháng 1 năm 2017). “Chuyện người anh hùng mà đảo mang tên”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  4. ^ “Chân dung các thuyền trưởng tàu không số”. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 7 tháng 11 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  5. ^ a b Xuân Thành (28 tháng 2 năm 2023). “Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh trong ký ức đồng đội”. Báo Khánh Hòa. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  6. ^ Bùi Chiến (14 tháng 2 năm 2021). “Đảo Phan Vinh - Vững vàng nơi đầu sóng”. Báo Lai Châu. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ Công Thi (14 tháng 5 năm 2024). “Khánh thành nhà tưởng niệm Anh hùng Phan Vinh”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  8. ^ a b c Bùi Thị Hương (26 tháng 10 năm 2006). “Nguyễn Phan Vinh và tàu 235 - Bản hùng ca bất tử”. Báo Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  9. ^ Nguyên Ngọc (25 tháng 12 năm 2004). “Sự tích đảo Phan Vinh”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.
  10. ^ Lê Gia Lộc (22 tháng 10 năm 2011). “Nguyễn Phan Vinh, người anh hùng "Đường Hồ Chí Minh trên biển"”. Báo Đà Nẵng. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2022.
  11. ^ a b Ánh Hồng (29 tháng 11 năm 2006). “Cuộc truy đuổi 'con tàu ma'”. Tuổi Trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2022.
  12. ^ Mai Thanh Hải (6 tháng 6 năm 2020). “Đảo Phan Vinh trong thế trận Trường Sa”. Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 16 tháng 8 năm 2024.
  13. ^ Quốc Tuấn (14 tháng 5 năm 2024). “Khánh thành nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh”. Báo Quảng Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2024.